11 Phân tích tác phẩm Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính đạt điểm cao mới nhất
Đề bài: Phân tích tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bài làm
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, hình ảnh người lính đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các văn, nghệ sĩ. Trong số đó, đặc biệt hơn cả có lẽ là những người lính vận tải dọc tuyến đường Trường Sơn máu lửa- hình ảnh đã được khắc ghi vào nền thơ ca kháng chiến Việt Nam như một tượng đài bất hủ cho những phẩm chất đáng quý nhất của người bộ đội Cụ Hồ. Trong vô vàn những tác phẩm viết về hình ảnh ấy, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng bạn đọc.
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Phạm Tiến Duật đã từng phải thốt lên như vậy khi có mặt ở tuyến lửa Trường Sơn khốc liệt. Có thể nói, hình ảnh người lính vận tải Trường Sơn luôn lạc quan, yêu đời, yêu đồng đội và đặc biệt là tình yêu tha thiết dành cho miền Nam, đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt để ông viết nên những vần thơ hào sảng, giọng thơ hóm hỉnh, thông minh trong thời kì cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất- năm 1969. Thoạt đầu, khi bạn đọc mới tiếp xúc với tác phẩm, có thể sẽ có nhiều người cho rằng nhan đề bài thơ dài, không hợp lý, thậm chí còn có thể cho là thừa hai chữ “bài thơ”, tuy nhiên, đây lại là dụng ý của tác giả. Đặt một nhan đề như thế, hẳn Phạm Tiến Duật muốn đưa những chiếc xe không kính độc đáo trở thành hình tượng trung tâm trong toàn bộ tác phẩm, góp phần làm nổi bật hình tượng người lính, đồng thời, khai thác chất thơ từ hiện thực khốc liệt của cuộc chiến để làm nổi bật chủ đề của bài thơ. Dưới nhan đề ẩn chứa một nụ cười hóm hỉnh, nhà thơ đã đưa người đọc đến gần hơn với hình ảnh những chiếc xe không kính và những người lính có trái tim quả cảm, lạc quan, yêu đồng đội, yêu lý tưởng.
Bốn khổ thơ đầu của bài thơ đã khắc họa hình ảnh những chiếc xe không có kính, từ đó làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe. Lí giải nguyên nhân những chiếc xe vì sao không có kính, nhà thơ đã phủ định hai lần liên tiếp để ngầm khẳng định, xe vốn có kính nhưng vì bom rơi nên kính đã vỡ.
Không có kính không phải vì xe không có kính
Câu thơ mang tính khẩu ngữ, lời thơ như văn xuôi tạo nên cảm giác tự nhiên như lời của chính người lính đang phân trần với bạn đọc về những chiếc xe không kính của mình. Yêu xe nên trước thực trạng thốn thiếu của xe, người lính kết tội quân Mỹ chính là những đã gây ra tình trạng này:
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Hai từ “bom” cùng với những động từ mạnh “giật”, “rung”, “vỡ” gợi sức phá hủy khủng khiếp của quân thù. Không có kính, những người lính lái xe phải chịu bao khó khăn vì chiếc xe của mình tới nỗi ta tưởng chừng như họ sẽ hoàn toàn bất lực, nhưng, vượt lên trên hoàn cảnh đó, họ vẫn
Ung dung buồng lái ta ngồi
Ngồi để khẳng định mình vẫn luôn là người lính lái xe, ngồi để đương đầu với khó khăn, thử thách của mưa bom bão đạn trong chiếc xe đã không còn kính bảo vệ. Họ không hề sợ, không hề chùn bước trước gian khổ, chông gai, họ sẵn sàng đương đầu với chông gai, thậm chí những người lính hiên ngang còn
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Ta có thể tưởng tượng ra chiếc xe khi xuống dốc, cả xe chúi xuống đến nỗi người trong xe như nhìn thấy cả mặt đường phía trước; khi lên cao, xe như dựng đứng, người lính nhìn thấy cả bầu trời trên cao. Thật là những chuyến đi nguy hiểm! Đọc tới đây, ta chợt liên tưởng tới bài thơ “Nhớ” cũng của tác giả Phạm Tiến Duật với hai câu thơ tiêu biểu nhất:
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo
Có lẽ, cảm giác của nhà thơ trong hai câu thơ khi nhớ lại những chặng đường đã qua cũng giống với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Cũng là sự mạo hiểm ấy, tính mạng của người lính vận tải khi lái xe trên con đường Trường Sơn khốc liệt thì chẳng ai đảm bảo được. Theo lẽ thường, người lính sẽ phải đầu hàng trước sự khó khăn và cả nguy hiểm ấy, tuy nhiên, những người lính vận tải “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lại biết biến những khó khăn, hiểm nguy ấy thành điều kiện thuận lợi khi vừa được mở rộng tầm quan sát, vừa được cảm nhận thiên nhiên và hòa nhập vào thiên nhiên. Tầm nhìn mở rộng, người lính có thể nhìn rõ mọi vật trên con đường trước mắt, nhìn thẳng vào khó khăn, gian khổ để vượt lên tất cả, hết mình vì Tổ quốc.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Liệu gió có thể “xoa” được mắt ta? Với biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cùng biện pháp nhân hóa, từ thực tế do không có kính, xe chạy trên đường với tốc độ cao, gió thổi tạt vào mắt khiến mắt cay xè, không chỉ gió mà cả thiên nhiên trong thơ Phạm Tiến Duật lại như muốn xoa dịu tất cả những khó khăn, gian khổ trên dọc đường lái xe, từ đó, sự giao hòa giữa người với thiên nhiên được bộc lộ rõ nét.
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Cả thiên nhiên như ở trong buồng lái, tất cả những khó khăn trở nên thật thi vị, lãng mạn! Quả là cảm nhận của một người lính cầm bút! Cảm nhận ấy một lần nữa lại len lỏi trong mạch cảm xúc của khổ thơ thứ ba và bốn:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
“Ừ thì”- như một câu nói, sự chấp nhận một cách thản nhiên, thậm chí là có phần ngang tàn của những người lính trẻ: bụi, mưa thì có sao? Họ như thách thức khó khăn, gian khổ, cũng giống như những người nông dân mặc áo lính trong “Đồng chí” của Chính Hữu, họ lạc quan, yêu đời, họ cười vào sự khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, ta vẫn phải nhìn vào hiện thực- bụi dày tới mức trong chốc lát đã phủ trắng cả mái đầu của những người lính trẻ. Không lấy đó làm khó chịu, những người lính tinh nghịch còn thản nhiên “phì phèo châm điếu thuốc” rồi vui đùa với nhau. “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”- tiếng cười to, vang, sảng khoái vì đã chiến thắng được những khó khăn, thử thách. Khó chịu hơn cả có lẽ là bụi và mưa. Mưa tuôn, mưa xối như tới nỗi không còn phân biệt được giữa trong xe và ngoài xe nữa. Lại vẫn là tinh thần lạc quan vượt lên mọi khó khăn, gian khổ của những người trẻ, họ chấp nhận và đối mặt với mọi khó khăn một cách vô cùng ngang tàn và rất lính. Mưa, gió, thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng họ lại biết biến cái khắc nghiệt ấy thành lợi thế: “Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”.
Phân tích tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Nếu như những câu thơ trên tập trung vào hình ảnh những chiếc xe không kính và tư thế hiên ngang cùng tinh thần lạc quan của những người lính vận tải trẻ thì ba khổ thơ kết lại cho ta thấy rõ hơn tình đồng đội, đồng chí và cả tình yêu Tổ quốc của họ:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Những chiếc xe không có kính bảo vệ ấy tưởng như sẽ bị phá nát trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt, nhưng thực tế, bom đạn không thể ngăn được những chiếc xe “họp thành tiểu đội”. “Những chiếc xe từ trong bom rơi” với sự điều khiển xuất sắc của những người lính đã như từ cõi chết trở về. Nó không chỉ thể hiện ý chí kiên cường của những người lính mà còn là những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà họ phải trải qua. Vượt lên trên tất cả, chính là tình đồng đội. Tình cảm ấy được thử thách trong chính những gian lao dọc đường lái xe nên hơn ai hết, họ- những người lính vận tải hiểu rõ nhất giá trị của sự sống.
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Trên tuyến đường lịch sử ấy, hàng ngày có hàng chục lượt xe ra Bắc vào Nam để vận chuyển vũ khí, lương thực, điều đó đồng nghĩa với việc có hàng chục người lính, người đồng đội gặp nhau. “Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới” như một lời khoe của nhà thơ về sự tấp nập, nhộn nhịp nơi chiến trường khốc liệt. Họ hồ hởi, sung sướng vì bảo vệ được xe, gặp được bạn bè, chiến hữu, đồng nghiệp và vì trọng trách mà họ đang mang trên vai- chi viện cho miền Nam thân yêu để Cách mạng được thắng lợi, Tổ quốc được độc lập, mặc cho sự khó khăn mà chiếc xe không kính oái oăm gây ra. Kẻ thù chắc chắn không thể ngờ được rằng chính việc tàn phá khiến xe không còn kính lại tạo cho người lính một cách bắt tay độc đáo thể hiện tình cảm một cách tiện lợi và phá cách: “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi khi dừng lại dọc đường bắt tay chào hỏi nhau, người lính còn có những lúc nghỉ ngơi, cắm trại, mắc võng tranh thủ ngủ một giấc ngắn:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Những sinh hoạt kiểu dã chiến với bao khó khăn, thiếu thốn ấy không còn đáng sợ nữa với những người lính bởi chính nhờ có sự khó khăn ấy mà tình đồng đội giữa họ càng thêm bền chặt. “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời”- thật ngang tàn nhưng cũng rất lính! Họ đều là những sinh viên trẻ lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ở họ không chỉ có chung ý chí, lý tưởng mà còn cả điểm chung về hoàn cảnh, niềm vui, tinh thần lạc quan và quan trọng hơn cả là tình đồng chí, đồng đội. Chỉ cần một bữa cơm chung, “chung bát đũa” là họ đã trở thành một đại gia đình. Một quan niệm mới hết sức thú vị và cũng vô cùng ý nghĩa! Sau bữa ăn đầm ấm, vui vẻ và giấc ngủ vội vàng, “chông chênh đường xe chạy”, những người lính vận tải lại ca vang điệp khúc “Lại đi” giục giã đồng đội và chính bản thân mình. Điệp ngữ “lại đi” vang lên như mô phỏng lại vòng quay đều đặn của bánh xe lại tiếp tục quay đều như để đạp bằng, san phẳng mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Không biết vì được lấy lại sức sau quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi hay vì khát vọng, niềm tin cháy bỏng về ngày chiến thắng mà trong mắt những người lính “trời xanh thêm”? Tuy nhiên, phải đến khổ thơ kết của bài thơ, ta mới thực sự hiểu được những người lính vận tải Trường Sơn:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Điệp ngữ “không có” lặp lại tới ba lần khiến ta thật bất ngờ, nhưng bất ngờ hơn nữa lại là “thùng xe có xước”. Những gian khổ của công việc lái xe vận chuyển đạn dược vào Nam một lần nữa lại được nhà thơ liệt kê nhưng không phải để kể khổ với bạn đọc mà là để làm nổi bật sự tràn đầy của tinh thần. Nó quan trọng hơn bất kì sự thiếu thốn nào về mặt vật chất. Nhờ đâu mà những người lính vận tải có được tinh thần ấy? Chính là ở mục đích chiến đấu của họ:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
“Xe vẫn chạy”- một lời khẳng định vững chắc của những người lính vận tải rằng dù có khó khăn, thiếu thốn tới đâu thì họ vẫn sẽ lái xe thẳng tiến “vì miền Nam phía trước”. Miền Nam như đang vẫy gọi họ- những con người dũng cảm của Việt Nam.
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Chỉ cần có trái tim nồng cháy tình yêu nước thôi thi mọi khó khăn đều sẽ tan biến và niềm tin, hy vọng sẽ trở thành chiến thắng thực sự. Vận hành những chiếc xe không phải là máy móc thông thường mà là những “trái tim”- hình ảnh được khắc họa bởi biện pháp tu từ hoán dụ. Chỉ cần có trái tim, tình đồng chí, tình yêu quê hương, đất nước thì trái tim ấy sẽ tỏa sáng và tạo thành sức mạnh hơn mọi động cơ, là động lực để đẩy chiếc xe lên phía trước và tiến thẳng vào miền Nam yêu dấu. Trái tim ấy sẽ luôn đập đều nhịp bởi nó chính là hình ảnh của những người lính lái xe với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nước căm thù giặc và ý chí chiến đấu ngoan cường. Một trái tim rực lửa anh hùng! Trái tim dẫn đến chiến thắng, trái tim cầm lái!
Có thể coi “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là bài ca truyền thống của binh đoàn vận tải Trường Sơn. Lời thơ hào sảng, hóm hỉnh kết hợp cùng hình ảnh thơ chân thực, sống động đã tạo nên thành công vang dội cho tác phẩm. Qua bài thơ, ta càng thêm hiểu, thêm trân trọng phẩm chất của những người lính lái xe dũng cảm, lạc quan, chiến đấu hết mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất dân tộc.
Hải Anh