13 Phân tích bài thơ Từ Ấy của nhà thơ Tố Hữu đạt điểm cao mới nhất
Đề bài: Phân tích bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu
Bài làm
Thơ ca kháng chiến Việt Nam có rất nhiều tên tuổi lớn, trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Tố Hữu– một nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại. Thơ Tố Hữu gắn bó song hành với sự nghiệp đấu tranh Cách mạng, thơ ông là thơ chính trị mà lại mang cảm hứng trữ tình, mang khuynh hướng sử thi, lại kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Từ ấy chính là bài thơ thể hiện rõ nhất đặc điểm ấy trong thơ ông.
Nằm trong phần thứ nhất- Máu lửa của tập thơ đầu tay cùng tên, Từ ấy được sáng tác trong những năm đầu nhà thơ tham gia đấu tranh Cách mạng từ năm 1937 đến 1946. Đây là khoảng thời gian nhà thơ bắt gặp lí tưởng Cách mạng, thoát khỏi cuộc sống tăm tối, bế tắc, băn khoăn đi tìm lí tưởng sống và được giác ngộ, thay đổi cuộc đời và thay đổi cả hồn thơ. Hai chữ “Từ ấy” chính là để nhấn mạnh vào điểm này. Ba khổ của bài thơ là diễn biến tâm trạng của Tố Hữu từ niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lý tưởng đến những nhận thức mới về lẽ sống, những chuyển biến mới trong tình cảm của ông.
Trước khi được tiếp xúc với lý tưởng Cách mạng, Tố Hữu đã sống trong tâm trạng bế tắc, không tìm được con đường đi đúng đắn cho cuộc đời như bao người trẻ cùng thời khác:
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi
Phải hiểu được hoàn cảnh, tâm trạng của Tố Hữu trước Từ ấy, ta mới hiểu hết được niềm vui sướng, say mê khi đã được bắt gặp lí tưởng của nhà thơ:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Lý tưởng Cách mạng đem đến niềm vui mới, làm bừng sáng tâm hồn ông, Tố Hữu như đang đi trong đêm tối bỗng gặp luồng ánh sáng chói lòa, rực rỡ ở phía trước soi đường. Con đường cuộc đời nhà thơ đang tăm tối, bế tắc bỗng được chiếu ánh nắng hạ rực rỡ, chói chang đưa đường dẫn lối. Phải là cái nắng hạ chói chang, rực rỡ mới có thể diễn tả hết sự ngất ngây, choáng váng của nhà thơ khi bắt gặp lý tưởng Cách mạng giữa bóng đêm mờ mịt. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khi đọc đến đây đã bình luận về hai câu này dường như diễn tả một cảm giác choáng váng như trong câu ca dao về tình yêu:
Thấy anh như thấy mặt trời
Chói chang khó ngó trao lời khó trao
Ánh nắng mùa hạ chói lóa được tỏa ra chính từ “mặt trời chân lý”- một hình ảnh đặc sắc mang tính biểu tượng. Cũng giống như mặt trời tự nhiên tỏa ánh sáng và hơi ấm, mang đến nguồn sống cho con người, “mặt trời chân lý” xua đi bóng đêm mờ mịt của tư tưởng cũ, của xiềng xích nô lệ, đem đến ánh sáng của Đảng, của Cách mạng, soi đường dẫn lối cho những người còn đang bế tắc trước những ngã rẽ của cuộc đời mà chưa tìm được con đường đúng đắn cho bản thân. Mặt trời ấy không chỉ soi sáng nhận thức, giác ngộ lý tưởng mà còn “chói qua tim”, soi rọi tâm hồn, tình cảm của tất cả mọi người. Với việc sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, hình ảnh “mặt trời chân lý” trong hai câu thơ đầu đã thể hiện thái độ thành kính và lòng biết ơn của Tố Hữu trước lý tưởng Cách mạng vĩ đại. Những động từ mạnh: “bừng”, “chói” được tác giả đưa vào khổ thơ như một cách nhấn mạnh vào tác động mạnh mẽ của lý tưởng Cách mạng. “Bừng” diễn tả ánh sáng phát ra một cách đột ngột, bất ngờ ở phạm vi rộng, trong khi “chói” chỉ ánh sáng có sức mạnh xuyên thấu, có ảnh hưởng lớn đến người tiếp nhận nó. Phải là nắng hạ- thứ ánh sáng với cường độ mạnh và nhiệt độ cao mới có thể “bừng” lên trong nhà thơ, và thứ ánh sáng ấy phải “chói” qua tim chứ không thể chỉ “chiếu”. Có được những xúc cảm say mê, nồng nàn như vậy, đây hẳn phải là một tâm hồn trẻ tuổi tràn đầy sức sống vừa được tái sinh sau khi bắt gặp, giác ngộ lý tưởng Đảng, để rồi từ đó, bao nhiêu băn khoăn, bế tắc đều tan biến, tâm hồn nhà thơ dạt dào, bay bổng như một vườn cây tràn đầy hương vị, âm thanh và màu sắc:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Niềm vui nồng cháy trong tâm hồn Tố Hữu được so sánh với hình ảnh “vườn hoa lá” vừa cụ thể vừa lãng mạn, trữ tình, đem đến cho bạn đọc những cảm nhận mới mẻ, thi vị về một tâm hồn vốn mù mịt trong bóng đêm nay được giác ngộ lý tưởng Cách mạng trở nên tràn ngập hương sắc của đủ loài hoa, âm thanh líu lo rộn rã của tiếng chim. Quả là một tâm hồn trẻ, hoa không thoảng mà “đậm hương”, tiếng chim không lảnh lót, véo von mà “rộn”, náo nhiệt, tưng bừng. So sánh hồn mình với một vườn hoa lá rộn ràng, tươi đẹp, Tố Hữu muốn bộc lộ niềm vui sướng của bản thân và của cả những người trẻ cùng thời cũng được giác ngộ lý tưởng Cách mạng như ông, một niềm sung sướng như cỏ cây, hoa lá đón nhận ánh nắng mặt trời, đón nhận lấy nguồn sống của chúng. Có thể nói, lý tưởng Cách mạng đã thay đổi cuộc sống nhà thơ, khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn và cũng đồng thời mở ra một thế giới nghệ thuật mới cho hồn thơ Tố Hữu.
Phân tích bài thơ Từ ấy
Bắt gặp và giác ngộ lý tưởng Đảng, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Trước khi giác ngộ lý tưởng Cách mạng, Tố Hữu là một sinh viên trí thức tiểu tư sản, vì thế mà lẽ sống của nhà thơ cũng là lẽ sống của một tiểu tư sản, luôn đề cao cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, nhận thức và lối sống của ông đã có sự thay đổi lớn sau khi được giác ngộ lý tưởng của Đảng, đó chính là việc gác cái tôi cá nhân sang một bên, tình nguyện gắn bó với cái ta của cả cộng đồng. Không dùng biện pháp điệp cấu trúc nhưng ba câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai lại có cấu trúc giống nhau ở phần đầu và cuối mỗi câu. Mở đầu câu thơ nhắc đến những gì thuộc về cá nhân: “lòng tôi”, “tình tôi”, “hồn tôi” và cuối câu thơ là những gì thuộc về cái chung: “mọi người”, “trăm năm”, “bao hồn khổ”. Sự quấn quít, gắn bó giữa cái tôi và cái ta bằng một sợi dây tình cảm vô hình mà bền chặt được nhà thơ thể hiện qua cách dùng từ ngữ khéo léo và đầy dụng ý: “buộc”, “trang trải”, “gần gũi”. Gạt bỏ cái tôi cá nhân để tìm đến cái ta chung cũng chính là Tố Hữu đã hoàn toàn giác ngộ lý tưởng Cách mạng, chủ động tìm đến sự đồng cảm giai cấp, tìm đến những con người cùng khổ để tạo thành một khối đoàn kết. Chính sự đoàn kết ấy đã làm nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh Cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ. Cách ngắt nhịp 3/4 ở câu thơ cuối đã làm cho sức nặng câu thơ dồn về vế sau, thành công thể hiện được ý muốn nhấn mạnh vào hình ảnh “khối đời” của tác giả. “Khối đời” là một hình ảnh ẩn dụ nhưng lại có sức biểu cảm vô cùng lớn, chỉ một tập thể đông đảo những người có chung hoàn cảnh, chí hướng và lý tưởng, có sức đoàn kết chặt chẽ, vững chắc và luôn cùng phấn đấu vì lý tưởng Cách mạng. Khi cái tôi đã hòa vào với cái ta, cá nhân đã sống trọn trong tập thể, lý tưởng của tất cả đều giống nhau thì sức mạnh ấy sẽ được nhân lên gấp bội.
Không chỉ tác động đến nhận thức, lý tưởng Cách mạng còn thay đổi cả đời sống tâm hồn, tình cảm của Tố Hữu. Không còn là một trí thức tiểu tư sản, nhà thơ đã không còn tự trói buộc mình với những tình cảm ích kỉ , hẹp hòi, cá nhân nữa, ông đã mở lòng mình để tiếp nhận và sẻ chia những tình cảm lớn lao, rộng lớn hơn- tình cảm của quần chúng nhân dân.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Hòa mình vào cái ta của tập thể, nhà thơ đã đem mình tham gia vào một đại gia đình lớn, nơi những người dân lao động đông đảo, có thể dùng đến từ “vạn” để hình dung, là cha mẹ, là anh, là em. Tất cả đã trở thành một gia đình ruột thịt, đầm ấm, có sức mạnh đoàn kết to lớn và luôn giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, tiến đến ngày giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ. Bên cạnh việc xưng “con”, “em”, “anh” như một gia đình thực sự, khổ thơ còn gây ấn tượng với nghệ thuật điệp cấu trúc câu được Tố Hữu sử dụng ở cấu trúc “Tôi đã là…”, tạo cho khổ thơ cuối nói riêng và cả bài thơ nói chung một giọng điệu sôi nổi, rạo rực. Giọng thơ ấy, chắc chắn rồi, được bắt nguồn từ một tâm hồn trẻ đầy say mê, lãng mạn và tràn ngập sức sống. Đã trở thành một gia đình thì tình cảm giữa tất cả các thành viên đều sẽ trở nên gắn bó một cách thật tự nhiên. Ở đây, Tố Hữu đã hướng sự xót thương của mình về những kiếp phôi pha, những người đau khổ, bất hạnh phải giãi nắng dầm mưa kiếm sống, những số phận “cù bất cù bơ”- những người không nhà không cửa, lang thang vất vưởng nay đây mai đó. Chính những kiếp người khốn khổ ấy đã trở thành nguồn động lực và cũng là sức mạnh để nhà thơ hăng say hoạt động Cách mạng, đem lại cho tất cả mọi người một cuộc sống độc lập, tự do, sung túc, đủ đầy.
Không chỉ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu, bài thơ Từ ấy còn mang sắc thái rất riêng, rất mạnh mẽ của một tâm hồn trẻ lần đầu bắt gặp lý tưởng Cách mạng trở nên say mê, vui sướng, sôi nổi trước một cuộc đời mới tươi sáng và tràn ngập sức sống cùng hy vọng. Vượt ra ngoài ý nghĩa văn chương, thi phẩm còn đem đến cho bạn đọc một cách nhìn nhận mới về con người, về cuộc sống, một lẽ sống cao đẹp và ý nghĩa khi ta sống có lý tưởng, sống vì cộng đồng.
Hải Anh