23 Tăng cường thực thi chính sách pháp luật mới nhất

Thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác IUU tại một số địa phương, từ đó, ghi nhận được những vướng mắc và đề xuất kiến nghị tháo gỡ. 

Khánh Hòa được xác định là 1 trong số 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có nhiều hỗ trợ cho tỉnh trong phát triển ngành thủy sản. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán, phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước trong khu vực để quản lý tốt hơn hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên biển; chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ vốn tín dụng, gia hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, chế biến thủy sản. Bộ NN&PTNT sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67 năm 2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tổ chức đào nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra thủy sản, kiểm ngư… Bộ Thông tin và Truyền thông có phương án hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá…

Nhiều tỉnh, thành đề nghị các chính sách, giải pháp tăng cường cho ngành thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ 

Tỉnh Bình Định cũng đề xuất với Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét nghiên cứu đưa ra những cảnh báo, kịch bản dự lường về biến đổi khí hậu tác động tới nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nghiên cứu xem xét phục hồi hệ sinh thái biển, phục vụ khai thác bền vững; có chính sách hỗ trợ khuyến khích trong nuôi thủy sản trên biển; xem xét triển khai sớm các dự án đầu tư nâng cấp cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá…

UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2, đầu tư khép kín hệ thống cống ven biển Kiên Giang. Vừa qua, Kiên Giang rất quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, là địa phương có đội tàu lớn nhưng thời gian gần đây tình hình khai thác thủy sản không hiệu quả do mất cân bằng giữa năng lực khai thác và khả năng đáp ứng của ngư trường. Để giải quyết vấn đề, UBND tỉnh đã có đề án phân loại, sắp xếp lại đội tàu, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên tỉnh chưa đủ thẩm quyền để ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, quy hoạch không gian biển… đề nghị đoàn quan tâm đề xuất để Kiên Giang thực hiện được đề án này, giúp khai thác thủy sản bền vững hơn, hạn chế tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT đồng bộ hóa, nâng cấp phần mềm, thiết bị quản lý định vị tàu cá phục vụ địa phương trong việc chia sẻ thông tin, quản lý chặt chẽ tàu cá; đề xuất Trung ương đầu tư đồng bộ hệ thống cảng, nạo vét các luồng, lạch trên sông đảm bảo tàu ra vào cảng thuận lợi…

Còn tại tỉnh Phú Yên, khó khăn nhất hiện nay là chưa thể giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, hiện Phú Yên cũng đang ráo riết làm quy hoạch tỉnh, đơn vị cũng kiến nghị một số quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành Quốc gia cũng nên có sớm để tháo gỡ nút thắt giao mặt nước khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, bởi đang vướng đến việc cấp mã số vùng nuôi. 

Tại Hội thảo “Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác IUU” do Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 23/8 tại Cần Thơ; các đại biểu đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành có liên quan, kịp thời ban hành các quy định liên quan đến phương tiện kỹ thuật, thẩm quyền, chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm ngư. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xác định vùng nuôi trồng thủy sản, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phục vụ nuôi thủy sản. Quan tâm bố trí nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển hậu cần nghề cá cũng như kinh phí triển khai các nhiệm vụ về chống khai thác IUU…

Hải Lý